Thành Bình Kiều Ngô_Xương_Xí

Thành Bình Kiều là một tòa thành do chính Sứ quân Ngô Xương Xí xây dựng trên vùng đất mới chọn sau khi phải dời khỏi triều đình Cổ Loa. Thành nằm lọt vào giữa vùng đất cách thành phố Thanh Hóa 25 km về phía Đông, cạnh dãy Cửu Noãn Sơn, liền kề phía Bắc núi Nưa thuộc huyện Như Thanh. Vùng đất này ngày nay thuộc về các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bình Kiều có nghĩa là cầu bằng (tức cầu không cong), nguyên là tên một cây cầu bắc qua sông Mau Giếng.

Theo tài liệu của Giáo sư Phan Đại Doãn công bố vào năm 1971 và kết quả khảo sát thực địa tiến hành vào năm 1981 thì tòa thành này đắp bằng đất, được xây dựng trên một khu đất vuông vắn, thành có hình vuông, mỗi bề gần 1.800 m. Nay đã trở thành bờ vùng, bờ thửa và lũy tre. Chung quanh thành có vết hào bao bọc, thành cao khoảng 2 m, chân thành rộng từ 3 – 4 m, mặt thành rộng khoảng 2 m. Thành có 4 cửa và bồn góc thành có 4 cồn đất cao. Tòa thành nằm cạnh con sông Mau Giếng, một nhánh của sông Nhơm – thượng nguồn của sông Cầu Quan, đổ vào sông Yên để ra biển qua cửa Ghép. Tên gọi Bình Kiều xuất phát từ một chiếc cầu: cầu Bừng bắc qua sông Mau Giếng ở gần phía Bắc tòa thành.